#thiết kế #thiết bị điều khiển
Chào các bạn. Như Pinus đã giới thiệu ở bài chia sẻ trước, van điều khiển hướng là van điều khiển hướng của dòng chảy. Bài này Pinus xin chia sẻ kỹ hơn về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của van điều khiển hướng điện từ, loại van phổ biển nhất trong cơ khí.
1.Cấu tạo của van điều khiển hướng.
Đầu tiên mình xin giới thiệu sơ qua về van điều khiển hướng (hình 1). Van điều khiển hướng điện từ có cấu tạo gồm cổng vào (P), cổng ra (A,B), cổng xả (R), nòng van, cuộn dây và không thể bỏ qua vỏ bọc bên ngoài của van. Nếu như tiếp xúc với thiết kế hệ thống điều khiển khí/dầu/nước… thì có lẽ mọi người đã quen với ký hiệu van điều khiển điện từ như hình 2. Trên hình các bạn có thể thấy đối với van điều khiển hướng luôn được ghi rõ tên các cổng để dễ dàng cho việc đọc hiểu cơ chế điều khiển cũng như cách nối đường dẫn khí khi lắp ráp.
Hình 1 Mặt cắt cấu tạo van điều khiển hướng
Hình 2 Ký hiệu van điều khiển hướng
Lưu ý về tên của các cổng A,B,P,R tùy theo từng công ty hay nhà sản xuất van mà có thể thay đổi.
2.Nguyên lý hoạt động của van điều khiển hướng
Nguyên tắc của van điều khiển hướng được giải thích tại hình 3. Nói một cách đơn giản thì nòng van sẽ được thiết kế để di chuyển ngang nhằm đóng mở các cổng theo ý muốn. Ở hình 3.1 ta thấy nòng van đang ở vị trí lệch về bên trái, tại thời điểm này ta thấy cổng P sẽ được thông với cổng B, cổng A thông với cổng R. Nhờ vậy khí nén sẽ được cung cấp từ cổng B đến đầu B của xi lanh, khiến xi lanh chuyển động từ B về A; khí tại xi lanh sẽ được đẩy ra qua cổng A và đưa ra ngoài cổng R.
Ngược lại khi điều khiển nòng van về bên phải như hình 3.2 bên phải, cổng P sẽ được thông với cổng A và ngược lại cổng B sẽ được thông với cổng R. Khi này hướng chảy của khí nén sẽ được đưa vào đầu A của xi lanh khiến xi lanh chuyển động từ A sang B.

Hình 3.1

Hình 3.2
3. Phân loại van điều khiển khí
★ Phân loại theo cách điều khiển nòng van: van điều khiển cơ, van điều khiển khí, van điều khiển điện từ.
Như mình đã giới thiệu phần 2, nòng van được điều khiển di chuyển trái phải để đóng mở các cổng của van, vậy vấn đề ở đây là nòng van được điều khiển bằng cách nào. Bài này mình chia sẻ với mọi người là loại van có nòng van được điều khiển bằng điện từ. Cuộn dây dẫn sẽ được nối với nguồn điện, nhờ việc đưa dòng điện chạy qua cuộn dây, ta sẽ có được 1 nam châm điện, nhờ lực từ của nam châm điện này để điều khiển nòng van (hình 3.3 cuộn dây giúp điền khiển nòng van đi chuyển về bên phải ). Ngoài ra như hình 3.2 ta thấy đầu còn lại của van không phải là cuộn dây mà được nối trực tiếp với lò xo. Nhờ vậy khi ngắt dòng điện, dưới tác dụng của lực đẩy lò xo, nòng van sẽ di chuyển sang bên trái. Đây là loại van điều khiển hướng điện từ đơn, với thiết kế 1 cuộn dây, ngoài ra ta còn có van điều khiển hướng điện từ đôi với 2 đầu của nòng van đều được điều khiển nhờ điện từ.
★ Phân loại theo số cổng sẽ có van 2 cổng, van 3 cổng, van 4 cổng và van 5 cổng.
★ Phân loại theo số phòng điều khiển: van 2 phòng và van 3 phòng.
Vì bài chia sẻ đã khá dài nên mình xin để phần giới thiệu về van chia theo số cổng, số phòng điều khiển ở bài sau.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài chia sẻ của Pinus.
Thân!
Gạo Mới